1 thg 4, 2014

Người lớn và hành trình đến với sự cô đơn

Tại sao chúng ta lại cô đơn? Chúng ta không cô đơn!”, có chăng rất nhiều người vẫn hoài nghi và phủ nhận một mực như vậy. Nhưng bất giác một lúc nào đó chợt nhận ra, kỳ thực là chúng ta đang cô đơn quá đỗi.

Đó là thi thoảng khi chúng ta kéo trượt dọc danh bạ điện thoại, nhưng kéo đi kéo lại mấy lần chẳng tìm được một cái tên để nhấn gọi, hoặc đơn giản là gửi đi một tin nhắn tâm sự vu vơ cho đỡ buồn. Những cái hẹn muốn đi đâu đó có sẵn trong đầu nhưng chẳng thể tìm đối tượng. Bỗng thấy đất trời dài rộng, còn trái tim thì trống vắng vô cùng.

Nếu như cô đơn là một điều gì đáng sợ lắm mà bất cứ ai đều trốn chạy hoặc tìm cách khước từ, vậy thì con người ta làm cách nào để đối diện với sự thật rằng, càng lớn lên, càng trưởng thành, khoảng cách với cô đơn càng thu hẹp dần?

Cô đơn. Cô đơn chính là khi bạn bè bắt đầu tản mác đi khắp nơi, những đứa ngày trước có thể nằm cạnh nhau tâm sự từ sáng đến tối, hay thậm chí là thức trắng đêm chỉ để bàn luận vài ba chuyện thị phi, bỗng dưng trở nên khó khăn khi tâm sự đôi điều phiền nhiễu trong cuộc sống. Khi cuộc sống ngày trưởng thành mạnh ai nấy rẽ hướng, mối bận tâm chung xưa cũ đã chẳng còn chỗ đứng trong tim tất cả mọi người.

Chúng ta vẫn tìm kiếm những hoài niệm xưa, như là một liều thuốc tạm thời mỗi khi cô đơn tìm đến. Để nhớ về quá khứ một cách đăm đăm toàn cảm giác luyến tiếc hay bất an.

Bởi vì sao cô đơn? Bởi vì càng lớn, thời gian đi vào giấc ngủ càng kéo dài, có những lúc trắng đêm chẳng thể tự ru mình vào giấc ngủ, nhìn list bạn bè online sáng trưng trên facebook mới chợt thở dài. Có những người cũng cô đơn như thế thôi…

Thế rồi có lúc chán nản với yêu thương, chán nản cả những cuộc tụ tập bạn bè quậy phá tưng bừng. Những tháng ngày mà chỉ đi đi về về một vài quãng đường nhất định, bắt đầu nhận ra số lần thở dài cứ thế mà nhiều lên.

Càng lớn, số lần cảm thấy thật sự vui bắt đầu ít dần, thấy bỗng dưng thích hoài cổ, hoặc đơn cử hay nghĩ về những điều nhỏ nhặt nhưng khiến tâm trạng bình yên.

Càng lớn, số lần làm mọi thứ một cách bột phát hoặc những quyết định theo những gì mình thích bắt đầu ít dần rồi trở nên không còn nữa. Chính vì phải lựa chọn sau quá nhiều lần cân nhắc, chính vì lựa chọn trong áp lực, nên mới dễ cô đơn.

Càng lớn, chúng ta không thể chỉ sống riêng cho bản ngã thật của mình, mà luôn phải sống vì những tham vọng khác nữa, hoặc là đi theo những phương cách đấu tranh sinh tồn theo hiện thực khốc liệt, hoặc là buộc phải giả dối để rồi đeo lên biết bao nhiêu lớp mặt nạ. Bạn bè từ đó chẳng ai có thể sẻ chia, cũng không làm cách nào trước một ai đó gỡ toàn bộ những lớp vỏ ngụy trang để cho họ thấy bản thân mình đang cô đơn nhường nào.

Càng lớn, càng nhiều vết thương, càng biết cách làm bản thân tê liệt với nỗi đau mà không cần ai giúp đỡ.

Càng lớn, càng làm quen với việc đơn phương chống chọi với mọi thứ, càng học được cách chỉ tin vào bản thân mình chứ không thể hoàn toàn trao niềm tin ấy cho một ai khác.

Càng lớn, thế giới quan càng mở rộng, các mối quan hệ nhiều lên chi chít, nhưng tâm hồn thì khép lại nhỏ xíu, chúng ta trở nên tàn nhẫn với chính mình và những người xung quanh hơn, và chúng ta lại càng cô đơn.

Người lớn, muốn lớn lên mà tâm hồn không một vết xước, muốn trái tim không bị bám bụi và tổn thương, sao mà khó quá? Chỉ đến khi nào thoảng thốt nhận ra, hành trình đơn độc cùng với quá trình trưởng thành vốn dĩ là một con đường, mới thấu hiểu hết được mọi nỗi cô đơn từ đâu mà tới.

Để rồi khi đó, cô đơn đã tồn tại trong ta từ rất lâu rất lâu rồi…

Sưu tầm



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét